Kiến thức + học hỏi = thành công

Người đăng: vjnhhoa on Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010


Đưa teletext tiếng Việt vào truyền hình để biến chiếc TV thành công cụ theo dõi, truy cập và lưu trữ thông tin đã được thử nghiệm thành công. Và những đầu DVD Hát hay Hay hát có hình minh họa phù hợp với nội dung bài hát được tiêu thụ nhanh chóng...

Những người trực tiếp tham gia hai dự án trên, vừa tốt nghiệp đại học được hai năm.

Cơ hội đầu tiên cho ba kỹ sư trẻ Ngô Phương Thảo, Nguyễn Song Khánh và Ninh Viết Sơn, những người tốt nghiệp năm 2002 và 2003, là tham gia dự án teletext ngay khi tốt nghiệp đại học Bách khoa. Nội dung quan trọng của dự án là thiết kế phần giao tiếp chíp.

Giữa lý thuyết và thực tế

Kỹ sư Ninh Viết Sơn nhớ lại: “Mới ra trường, tham gia ngay dự án nên cái gì cũng bỡ ngỡ”. Lý thuyết là một chuyện, còn ứng dụng trên thực tế như thế nào, lại là chuyện khác. Sự khác biệt nữa, giữa nhà trường và thực tế, theo anh Sơn, là phải có kết quả cụ thể, chứ không phải cho ra kết quả như giải bài tập hay làm một đồ án thiết kế.

Mới tiếp xúc với thực tế, các kỹ sư trẻ còn phải làm quen với làm việc nhóm. “ Cũng thuận lợi hơn vì chúng tôi đều học cùng trường nên biết nhau trước”. Theo Phương Thảo, quan trọng nhất trong làm việc nhóm là tinh thần đồng đội, cùng chia sẻ kiến thức. “Trên thực tế có nhiều hướng tiếp cận vấn đề, ai chọn hướng nào thì phải tìm hiểu thêm” - anh Khánh cho biết.

Cũng do nhiều hướng đi, nên có lúc không tránh khỏi phải tranh luận. Đã làm việc theo nhóm thì phải tuân thủ quyết định của nhóm. Anh Sơn nói: “Được cái là trong kỹ thuật, có thể tính toán chi tiết ra được con số cụ thể để xác định phương án tối ưu”.

Công việc nghiên cứu không tránh khỏi có lúc bế tắc. Mỗi người, mỗi tính cách và mỗi cách phản ứng lại khi gặp tình huống đó. Với Phương Thảo, có buồn nhưng phải biết gạt qua một bên để tiếp tục tìm hướng giải quyết. Cô thường quay lại trường, tìm thầy để được chỉ dẫn thêm. Còn Khánh và Sơn khi nản, thì lang thang trên các diễn đàn chuyên ngành để tìm tài liệu hay hỏi thêm các đàn anh.

Cứ như vậy, mà tích luỹ kinh nghiệm và kiến thức, mà thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế. Đưa teletext vào truyền hình xong, họ quay sang nghiên cứu thiết kế chíp cho DVD. Bài toán hiển thị hình ảnh minh hoạ cho phù hợp đã được giải sau khi nghiên cứu thành công ngôn ngữ xử lý hình ảnh minh hoạ. Hiện, ngôn ngữ này đang được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét và cấp bản quyền.

Xác định chỗ đứng

Nhìn lại các dự án đã tham gia, cả ba thành viên trẻ đều nhận xét: kiến thức nhà trường là nền tảng cơ bản để phát triển. Ninh Viết Sơn cho biết: “ Ban đầu kiến thức nền chỉ có 20%, còn lại phải cập nhật thêm, tìm hiểu thêm. Kiến thức nền này ngày càng tăng qua các dự án”.

Trong các dự án, các thành viên phải làm việc với các đối tác nước ngoài. Điều này đòi hỏi kỹ năng giao tiếp của người làm, trong đó, không thể thiếu ngoại ngữ. Các thành viên đều chung nhận định, phải chuẩn bị ngay khi còn đang học. “ Ngoài tiếng Anh giao tiếp, phải nắm vững tiếng Anh chuyên ngành” - Sơn nói. Kinh nghiệm riêng của Sơn, anh chàng quê gốc Nha Trang, là không ngại hỏi các đối tác nước ngoài.

Với kiến thức và kinh nghiệm làm việc được tích luỹ dần theo thời gian, các thành viên trẻ giờ đã tự tin hơn, cả trong công việc và đời sống. “Xác định chỗ đứng, công việc có phù hợp với mình hay không là điều quan trọng”. Câu nói ấy được Sơn dùng thay cho câu trả lời về việc thay đổi chỗ làm, tìm những công ty nước ngoài lương cao.

Sự tự tin đó khiến họ suy nghĩ rằng: công nghệ Việt là phải nắm vững và làm chủ công nghệ. “Chúng tôi rất tự tin sẽ làm được điều đó” - cả ba người cùng khẳng định. Họ đã cười rất tự nhiên khi nhớ về buổi phỏng vấn xin việc mấy năm trước. “Nhìn khẩu hiệu Tự tin công nghệ Việt của công ty Vitek, lúc đó, tôi thấy khá mơ hồ” - một thành viên thú thật.

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét