Nguồn lực: Cơ hội nào cho lập trình viên?

Người đăng: vjnhhoa on Thứ Hai, 19 tháng 4, 2010


Đó là câu hỏi của một bạn có nick là HaTay đặt ra trên diễn đàn JavaVietnam.org với các khả năng chọn lựa. Khả năng đầu tiên là “Quản lý dự án” (Project Manager) - chỉ huy một số các đồng nghiệp ít tuổi hơn - như mình trước đó 5, 10 năm?

Vẫn miệt mài lập trình với việc đeo bám một sản phẩm dạng đóng gói rồi cứ thế “ôm” lấy nó mà chỉnh sửa, mà thêm thắt, mà... Cuối cùng là một khả năng khá “vui”: Mở một quán cà phê rồi tập thể hình cho thật đẹp và... ra trông quán kiếm lời? Chẳng phải ngẫu nhiên mà ngay lập tức “tâm sự” này được hàng ngàn bạn theo dõi và thảo luận. Có lẽ lý do chính là nó rất thực tế, là nỗi trăn trở của mỗi người theo nghiệp lập trình.

Với vai trò của một admin diễn đàn JavaVietnam.org, cũng là một lập trình viên đã trải qua những dự án từ nhỏ đến lớn, từng biết đến thất nghiệp trong thời kỳ “dotcom” (thời các công ty trên Internet đồng loạt phá sản), từng làm việc tại nước ngoài và sau đó tham gia thành lập công ty tin học riêng, người viết bài này cố gắng trình bày và tổ chức lại các ý kiến thảo luận xung quanh “cái nghiệp” lập trình một cách khách quan nhất. Vì đây là một chủ đề thảo luận mở, các câu chữ của những bạn tham gia có thể không văn vẻ lắm và mang nhiều nét hài hước của dân CNTT, nhưng có lẽ chính cách thảo luận cởi mở này lại giúp các thành viên hiểu nhau hơn để cùng chia sẻ những suy nghĩ và tâm huyết của mình.

Tình yêu, đam mê và nghiệp...

Một ý kiến được đưa ra: “Công việc lập trình thật vất vả, chỉ dành cho những người đam mê thực sự”.

Bạn lexthang đồng ý với ý kiến trên: “Nói chung, lập trình cũng có thể thăng tiến theo nghĩa thông thường (làm team leader, project manager...). Nhưng quan trọng hơn, bạn có được sự thỏa mãn trong công việc, được làm thứ mình thích, sáng tạo ra chương trình làm được cái mình muốn... Tôi biết có những người làm lập trình từ lúc mới vào nghề, tới 50-60 tuổi cũng vẫn lập trình. Dĩ nhiên họ có nhiều kiến thức hơn, có thể viết báo, giảng bài, thiết kế hệ thống, v.v... Nhưng không phải ai cũng làm manager (quản lý) hay CEO (giám đốc điều hành). Các bạn có thấy ngày nay có vô vàn những chương trình freeware (miễn phí), open source (mã nguồn mở), làm được đủ thứ trên đời? Cũng là những người lập trình đó thôi, để thời gian viết cái gì họ thích, hy vọng nó sẽ có ích, được dùng tới...”

Có lẽ tất cả các bạn tham gia thảo luận đều đồng ý rằng tình yêu nghề là quan trọng nhất. Bạn Hạnh Nhi, một lập trình viên đang làm việc tại Pháp cũng cùng suy nghĩ: “Làm nghề gì, miễn mình thích là đã thành công rồi. Tôi thử hình dung một ngày mà không làm bạn với cái máy tính thì chẳng biết mình sẽ làm được gì nữa.”

Bạn lexthang tiếp tục đưa ra ý kiến rằng nên theo đuổi nghề lập trình vì sự đam mê công việc chứ không nhất thiết phải phấn đấu để trở thành project manager. Tiếp theo ý này, một bạn trẻ khác: “Em nghiệm ra một điều, làm cái gì cũng được miễn là phù hợp với sở thích và tính cách của mình, khi đó bạn sẽ làm hết mình mà không bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay ganh tỵ với những đứa bạn làm nhàn hơn mà lương cao hơn mình. Ví dụ như chính em: em khoái lập trình vì tính logic, sáng tạo của nó”. Tương tự, một bạn khác với nick uida đã từng là lập trình viên, sau một thời gian chuyển sang làm kỹ thuật viên mạng cho biết: “... nhưng được một thời gian thì mới phát hiện mạng thực sự không hợp với tính cách của mình. Nhiều lúc ngồi suy nghĩ không lẽ cả đời này mình xách router và NTU chạy hoài đến khách hàng sao! Không lẽ những kiến thức về mạng, về socket, về web, về database và “tree, link list...” tan theo mây khói bởi những buổi ngồi trực phòng máy một mình. Nên mình một lần nữa can đảm quyết định trở lại công việc lập trình, đến lúc này mình mới thực sự quý trọng những gì mình đã có trước kia.”

Có lẽ cũng vì tình yêu đối với lập trình mà có vô số lập trình viên viết nên những sản phẩm mã nguồn mở hoàn toàn miễn phí cho mọi người. Bạn antiW lập luận những lý do như sau:

“1. Trau dồi kinh nghiệm. Viết code và đọc code là cách học tốt nhất.

2. Nếu thật sự đam mê CNTT, sẽ rất hạnh phúc nếu software mình viết ra có người dùng.

3. Dùng free software để tạo thương hiệu. Nếu free software viết 'ngon', lập tức có thương hiệu ngay.

4. Viết để dùng, thích cho người khác cùng dùng. Tâm hồn cao thượng, đáng hoan nghênh.

5. Khoe với bạn gái.”

Thu nhập

“Ngồi sửa vài ba dòng Java cho nó chạy xịn hơn một tý. Như vậy mà gọi là lập trình ư? Nói ra thấy mà mắc cỡ, nhưng công việc đó cho tôi tháng ba bốn trăm Mỹ kim gì đó, hy vọng là đủ cho đứa em học tiếp ĐH. Thời gian rỗi tôi ngồi phòng thí nghiệm “cày” Java-Portal.” Đó là suy nghĩ của một bạn với nick pepvm. Một số bạn khác cũng cho rằng nghề lập trình có thu nhập khá so với các ngành nghề khác. Tuy nhiên Nguyễn Hữu Mai, một admin của JavaVietnam.org cho rằng “lương của lập trình viên không cao vì tuổi thọ nghề ngắn”. Ý kiến này đã được đa số mọi người đồng tình. Tiếp tục trao đổi về tuổi thọ nghề nghiệp đối với các lập trình viên nữ, bạn Hạnh Nhi tâm sự: “Nghe các bác bàn về tương lai của lập trình viên về già mà tôi thấy lo lo. Chẳng là cả 2 vợ chồng tôi cũng đều là dân ngày ngày đi coding kiếm cơm. Thật sự thì tôi vẫn ham muốn ngày ngày được coding, giờ giờ được coding... Tranh thủ lúc chưa đến tuổi băm mà làm, chứ đến tuổi ấy rồi thì chắc phải chuyển nghề quá, chứ phụ nữ lúc ấy có trăm chuyện để lo về nhà cửa, con cái..., đâu có được lao tâm khổ tứ vì mấy cái dòng code nữa. Bây giờ chưa có con cái gì, thế mà mỗi lần ham công tiếc việc về nhà trễ đều bị chồng “nói xa nói gần”... Đó, tôi là phụ nữ làm nghề này, ta thán vài điều cho các bác biết mà lỡ có vợ cùng nghề hãy thông cảm!”

Chỉ cần biết lập trình?

Về khía cạnh kiến thức xã hội của nghề, một bạn băn khoăn: “Suốt ngày ngồi một chỗ coding tôi thấy không ổn. Dần dà tôi sợ kiến thức xã hội rơi rụng hết, chả biết gì ngoài lập trình.” Một bạn khác lại có cái nhìn khác về việc này: “Tôi không nghĩ thế đâu, lập trình nhiều chủ đề khác nhau sẽ cho ta kiến thức xã hội về nhiều ngành nghề khác nhau, không tin bạn cứ thử thiết kế mấy trang web cho các công ty khác nhau xem, đảm bảo bạn không bị rơi rụng kiến thức xã hội, thậm chí còn thêm nữa là đằng khác. Đó là kinh nghiệm của tôi.”

Tiếp theo ý này, bạn HaTay cho rằng ngoài các kiến thức chuyên môn lập trình, chúng ta nên bổ sung thêm:

“1/ Tiếng Anh - càng nhiều càng tốt, càng giỏi càng tốt --> Nhiều cơ hội cho các vị trí kiếm được nhiều tiền hơn (quản lý, tư vấn...).

2/ Tài chính và kinh doanh --> Nhiều cơ hội trực tiếp bán được sản phẩm. Đứng ở vị trí quan trọng trong quá trình bán hàng và triển khai nên có thu nhập cao hơn.”

Phát triển con đường riêng

Có thể làm giàu bằng nghề lập trình được không? Tỉ phú giàu nhất thế giới hiện nay (Bill Gates) cũng xuất thân từ việc cặm cụi gõ từng dòng code mà. Bạn lexthang cho ý kiến: “Nếu bạn muốn thăng tiến, muốn làm ông chủ thì một là nên lập công ty riêng, hai là đi học kinh tế (và tốt nhất là học kinh tế rồi mở công ty riêng). Còn những công việc mang tính sáng tạo thì thông thường không có nhiều cơ hội để leo cao. Chẳng hạn nếu bạn làm web designer, hay họa sĩ, hay nhà văn. Niềm vui là ở chỗ tạo ra cái gì đó hoàn toàn mới, chưa ai có, chưa ai biết (đồng thời vẫn “có ăn”). Còn nếu như niềm vui đó không còn nữa, thì có lẽ đã tới lúc bạn nên chuyển nghề.”

Một bạn khác cũng chia sẻ ý kiến trên: “Đi làm công ăn lương thì khó có thể giàu lắm, “Phi thương bất phú”, chỉ có kinh doanh thì may ra mới giàu nổi. Có thể kinh doanh bất cứ lĩnh vực nào miễn là có lợi nhuận và không vi phạm pháp luật, dĩ nhiên nếu làm giàu được trong lĩnh vực tin học thì càng tốt, như mở cafe Internet, công ty phần mềm...”.

Làm chủ thì ai cũng thích, nhưng cũng có những khó khăn không nhỏ. Một anh bạn làm lâu năm trong lĩnh vực CNTT có lời khuyên về các công việc cần chuẩn bị:

“1. Đầu tư vào những vấn đề mình yêu thích và ra sản phẩm cụ thể, thiết thực.

2. Cần phải tập trung được lực lượng (bạn bè cùng chí hướng) xung quanh “dự án” của mình.

3. Tìm kiếm tài trợ (trong và ngoài nước), trình bày giải pháp...

4. Thành lập công ty riêng.

5. Khi thành giám đốc (lúc đó chắc cũng mất nhiều năm) thì phải nhớ thời “cày cuốc” mà thương dùm mấy em trẻ.”

Lời cuối

Có lẽ mỗi lập trình viên, kể cả tác giả bài này đều không ít lần trăn trở về nghề nghiệp mà mình đã chọn. Hy vọng bài viết này với cách nhìn của nhiều người ở các quan điểm khác nhau sẽ giúp bạn đọc tìm thấy phần nào suy nghĩ và trăn trở của mình trong đó. Các bạn có thể tìm đọc toàn bộ thảo luận sôi nổi và thời sự này tại địa chỉ: http://www.javavietnam.org/javavn/mvnforum/viewthread?thread=6597. Chúc tất cả các bạn tìm được tình yêu trong cuộc sống và công việc.

Đoàn Hạnh (Theo PCWorld Vietnam

{ 0 nhận xét... read them below or add one }

Đăng nhận xét